Loa S90 Nga Liên Xô


     Thú thật các bác, em mua loa S90B không phải vì nó hay và em cũng biết rất ít về nó dù trước đây đã từng dùng nó gần 10 năm. Đã mua thì phải cố gắng tìm hiểu thêm về nó, bác Google đã giúp em chạy quanh Vnav, HDVietnam … cũng như sự tư vấn của các chuyên gia chuyên săn hàng Audio loa Nga về bán. Em rất thán phục kiến thức của các bác trên VNAV nhưng em phát hiện rằng đa phần dân buôn bán đồ Audio mà em mua từng mua hàng gần như chẳng biết gì về loa Liên xô. Gần như họ cho rằng loa Nga đều như nhau và Pioneer 7800II là thuốc đặc trị, điều này làm em ngạc nghiên !

     Một vấn đề nhỏ nữa của con đường “đau khổ”, anh bán loa cho rằng chất âm loa này hay, anh bán âm ly cũng “chất âm”, anh bán CDP, dây loa, tín hiệu, nguồn … đều cho rằng sản phẩm của mình bán có ảnh hưởng rất lớn đến chất âm tổng thể hay gọi đơn giản là hiệu quả. Với những kẻ “tai trâu” như em (dù hồi trẻ có học nhạc chút ít) thì rất dễ sa vào vòng xoáy “đau khổ”: cứ gom được chút tiền là lại đầu tư nâng cấp các thiết bị theo nấc thang giá cả thị trường với công thức ‘ tiền nào của nấy” trong khi tiền bạc đối với anh em đa phần là giới hạn.


     Vài vấn đề nhỏ trên khiến em nảy sinh ý tưởng viết một bài nhỏ theo chủ quan cá nhân nhằm hạn chế bớt sự khổ đau trên con đường “đau khổ” cho những bác mê loa Liên Xô (theo cá nhân em chơi loa Liên Xô tức là lấy loa làm trung tâm, các thiết bị khác chỉ đóng vai trò vệ tinh để cho em nó hót)


     Các bài trên của em đã sơ lược nhắc đến quan điểm của em, chơi loa Liên Xô phải ít nhiều hiểu được Liên xô, cũng như cha ông ta vẫn dạy “lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống” vậy. Tất nhiên không thể bỏ qua môi trường đặc trưng của VN.


     Để hiểu về Liên Xô qua sách vở rất khó, chỉ một môn “Triết học Mác Lê” đã làm quá sức với tất cả sinh viên. Góc tiếp cận đơn giản hơn là xem xét trong 70 năm tồn tại, họ đã có những sản phẩm gì nổi tiếng nhất, theo em đó là xe tăng hạng trung T34, súng AK47 và loa S90 (dân tất cả các nước XHCN đều biết dòng loa này).


     Để biết về huyền thoại tăng T34, đơn giản chỉ cần nghe người Đức đánh giá về nó (youtube). Nhận xét của các chuyên gia Đức đơn giản thôi. Sau khi đã đem tăng Đức càn quét châu Âu quá đơn giản, Hitler tự tin tăng T3, T4 với chiên thuật “sấm sét” của Đức sẽ làm cỏ Liên Xô trước mùa đông. Lợi thế tấn công bất ngờ cùng với kinh nghiệm “làm cỏ châu Âu bằng tăng” đã khiến quân Đức gần như đạt được nguyện vọng của Hitler trước Hồng quân Liên xô lạc hậu về chiến thuật, yếu kém về chỉ huy. Trở ngại lớn nhất của họ là mấy chú tăng T34-76, mới đầu rất ít nhưng sau nảy nở rất nhanh. Dù thông số kỹ thuật theo kiểu Đức thì T34 rất yếu nhưng nó lại vượt trội tăng Đức theo chuẩn Liên Xô. Tiếc rằng Đức phải đánh Liên xô trên địa bàn Liên xô và mùa đông lạnh lẽo, lầy lội làm hiệu quả các chuẩn kỹ thuật kiểu Liên xô ( máy làm việc nhiệt độ thấp, di chuyển trên địa hình lầy, dễ sửa chữa, thay thế linh kiện, chi phí sản xuất thấp, tốc độ sản xuất nhanh …). Khó khăn này khiến quân Đức phải nghiên cứu đưa ra Tiger và T5 (bắt chước T34) chuyên để trị lũ ruồi T34-76 nhưng rồi trận đấu tăng Kursk, lũ ruồi này không những diệt không nổi mà còn phát sinh loại ruồi mới T34-85 ồ ạt tràn sang tận Berlin. Đức cũng phát triển vũ khí chống tăng cá nhân rất tốt thời kỳ này nhưng kết quả thì ai cũng biết. Nhận xét cuối cùng của hai chuyên gia Đức là T34 không tốt bằng tăng Đức nhưng nó hiệu quả hơn rất nhiều và có thể nói hiệu quả nhất thế giới. Câu kết luận có vẻ rất vô lý nhưng thực tế lại diễn ra đúng như thế. Thông số kỹ thuật tốt hơn của tăng Đức như sức mạnh pháo, khả năng phòng thủ (giáp), độ tiện nghi, tính chính xác … lại thua mấy con ruồi T34. Lý giải đơn giản, trong điều kiện lý tưởng, tăng Đức oánh chết tăng Liên xô và trong điều kiện không lý tưởng, tăng Liên Xô oánh chết tăng Đức. Tăng là vũ khí chủ lực trong thế chiến 2 nên nó mang các đặc trưng về quan điểm đánh giá công nghệ.


     Còn về súng AK47 thì sao? Các chuyên gia Mỹ trong youtube chứng minh rằng tại các phòng thí nghiệm của Mỹ, M16 vượt trội AK47 gần như tất cả các tính năng. M16 nhẹ nên lính vác rất sướng, bắn chính xác (sơ tốc cao), đạn nhẹ vác được nhiều, oai hơn, phông độ hơn khi vác nó nhưng khổ cái lính Mỹ chẳng bao giờ có điều kiện bắn nhau trong các phòng thì nghiệm ở Mỹ. Cuộc so găng đầu tiên của M16 và AK47 lại diễn ra ở một môi trường quen thuộc – chiến trường Việt nam.


     Hỏa lực yểm trợ của Mỹ (pháo, máy bay) rất mạnh nên bộ binh ta chỉ còn cách áp sát bộ binh Mỹ (khoảng 10-20m theo lời của một cựu chiến binh VN), môi trường càng khác nghiệt (bụi, nước, vật cản), cự li gần (cơ động cao) thì AK càng phát huy tác dụng trong khi M16 phải lấy bao cao su bọc nòng súng, lội qua suối thì phải đưa súng qua đầu. Lính Mỹ suốt ngày phải nâng niu cái khẩu súng chỉ phù hợp cho chụp ảnh trong khi mấy que củi AK47 thì “ chỉ cần bảo dưỡng khi có thời gian” (lời Kalasnhikov). Nếu muốn bảo dưỡng nhanh khi bị vô nước, bị bùn, cát thì … bắn 1 phát là xong. Chưa kể đạn AK47 có khả năng công phá rất mạnh, bắn xuyên cây gỗ (M16 phải nhắm phần nhô ra khỏi gốc cây của đối phương, AK47 thì chơi vào gốc cây thông). Vài dòng sơ lược nhưng cũng thấy giữa AK47 và T34 có điểm giống nhau là dễ chế tạo, sữa chữa, rẻ, ít phụ thuộc môi trường chống lại quan điểm suy tôn thông số kỹ thuật của Đức hay đề cao mức tiện dụng của Mẽo.


     Vậy loa Liên Xô S90 thì sao? Một thùng gỗ tương đối chắc chắn so với các loa khác (ra Nhật tảo sẽ thấy S90 luôn đặt dưới cùng làm đế cho loa Nhật), các củ loa đúc nặng chịnh, nói chung là thô ráp, màng loa cứng. Mấy anh Nga bây giờ vẫn cho rằng S90 có rất nhiều khuyết điểm (ưu tiên cho sự đơn giản, dễ chế tạo như T34 hay AK47) nhưng bù lại phân tần được tính toán rất kỹ để khắc chế các yếu điểm đó (vì vậy em chưa dám đụng đến phân tần). T34, AK47 hay S90 đều mang tầm vóc Liên xô vĩ đại một thời nên các đặc trưng trong quan điểm kỹ thuật phải là như nhau và nổi bật trong đó là khả năng thích ứng với môi trường. Về dòng giống thì S90 của Radiotehnika tại Latvia, hãng này ra đời năm 1927 và có liên quan đến Telefunken của Đức. Chính vì quan điểm chế tạo đơn giản, rẻ (để toàn dân Liên xô có cơ hội, kể cả mấy chú Việt nam) nên có thể nói loa Liên xô dù mang tầm cỡ công nghệ quốc gia nhưng nó dành cho người nghèo. Mà nghèo thì đâu có điều kiện chơi dây loa, dây tín hiệu vài chục triệu, xây phòng cách âm, hút bụi, chống ẩm … cỡ như các phòng thí nghiệm kiểu Mỹ, Đức. Cũng chính vì dành cho môi trường nghe nhạc không lý tưởng nên mức ảnh hưởng do môi trường đến loa nầy rất ít so với loa các nước tư bản (về toán thì tạm gọi là phương sai nhỏ).


     Như vậy chơi loa Nga S90 không nhất thiết phải đồ xịn đi kèm bởi đồ tốt sẽ không giúp nó tốt hơn nhiều tương ứng với sô tiền phải trả thêm. Điều đáng quan tâm nhất là sức ì của loa lớn (độ nhạy thấp) do màng loa cứng, dynamic nặng nên không cần tuyển các pow đắt tiền có damping factor cao (khả năng kiểm soát màng loa). Điều này có vẻ được chứng minh bằng thưc tế thông qua các amply hay được phối ghép với S90 như Technics SuV7, V55, 7700 (DF=60), Pioneer 7800,7900,8800 (DF=30,40) … và nói chung là Pow cỏ mà cỏ thì DF thấp. DF thấp thì S90 mới hót theo kiểu nó muốn được. DF cao thì màng loa chưa kịp rung đã bị dừng mất tiêu.(bác Khivang thấy có hợp lý không?)


     Tóm lại chơi loa Liên xô các dòng S90 nên chơi amply cỏ (dưới 2 tr), công suất cỡ 50-100w/kênh, DF nhỏ, CDP thì loại tàm tạm,dây tín hiệu phù hợp với tầm CDP, dây loa thì cứ thằng nào cỡ to mà rẻ là được. Quan trọng nhất là phòng nghe không cần tốt chỉ cần kín (để hàng xóm đỡ phiền).


     Lưu ý phòng nhỏ chơi S30, phòng to hơn chơi S50, để phòng khách nhà rộng có vườn thì cứ S90 (cỡ 4tr), Pow Technics Su V7, 7700, V55 cỡ 1tr, CDP 1tr hoặc DVD, dây tín hiệu cỡ 0,2 tr, dây loa cùi cùi không thì dây điện loại to (biết đâu lại bớt chói).

Theo Metnghi

XEM ĐỒ CỔ CHÂU ÂU

XEM ĐỒ CỔ LIÊN XÔ

XEM ĐỒ CỔ SƯU TẦM

XEM ĐỒNG HỒ CỔ

XEM ĐỒNG HỒ VÀNG ĐÚC NGUYÊN KHỐI

XEM HỔ PHÁCH TỰ NHIÊN

 

 

Vũ Anh đi săn Đồng hồ Poljot và Loa S90 tại Nga

BÌNH LUẬN
Gửi bình luận
Bình luận

    TIN MỚI NHẤT

    TIN LIÊN QUAN