HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG ĐỒNG HỒ NGA 

     Chăm sóc tốt một món đồ quí và giá trị giúp bạn tiết kiệm nhiều chi phí. Chúng ta bảo trì xe hơi và nhà cửa, giữ cho chúng sạch sẽ, sáng bóng và hoàn thiện để chúng hoạt động tốt và nhìn đẹp mắt. Vì vậy, không có gì là ngạc nhiên nếu những chiếc đồng hồ cũng được lau sạch sẽ và bảo trì theo kì hạn. Vũ Anh Watch tổng hợp một số thông tin hướng dẫn sử dụng và bảo quản đồng hồ Nga đeo tay thông dụng nhất như sau:

1. ĐỒNG HỒ NGA SỬ DỤNG MÁY QUARTZ (PIN)

Đồng hồ Nga Nika

     Đồng hồ có bộ máy sử dụng Pin, hàng ngày sau khi không đeo, tránh để gần các vật dụng có từ trường mạnh như: Tivi, Tủ lạnh, Thùng loa, Máy vi tính, điện thoại di động hoặc các loại máy thu phát sóng khác. Bởi ở những môi trường có nhiều từ tính như vậy sẽ khiến cho Pin của đồng hồ sẽ mau hết, tụ điện (IC) của đồng hồ dễ nhiễm từ tính dẫn đến bộ máy đồng hồ hoạt động không chính xác. Cần chú ý rằng đồng hồ phải được thay Pin ngay khi hết Pin. Mặc dù, hiện nay đa số Pin chính hãng được chế tạo với chất lượng tốt tuy nhiên Pin hết hạn có thể bị rỉ và gây hư hại tới các bộ phận khác của đồng hồ.

2. ĐỒNG HỒ TỰ ĐỘNG (AUTOMATIC)

       Đặc điểm nổi bật của đồng hồ cơ tự động “Automatic” đó là khả năng hoạt động lâu dài mà không cần thay pin, bởi vì đồng hồ sử dụng năng lượng từ ổ dây cót. Tuy nhiên, điều đó chỉ có thể xảy ra khi đồng hồ được người sử dụng đeo trên tay trong một thời gian tối thiểu nhất định (Ít nhất 8 tiếng/1 ngày), cánh tay đeo đồng hồ phải thường xuyên vận động, di chuyển để bộ phận nạp cót của đồng hồ hoạt động theo và tự động nạp cót (hay còn gọi là lên dây cót tự động). Nếu không, dù có là đồng hồ cơ chính hãng cao cấp thì vẫn bị ngừng hoạt động như thường.
 
     Đối với các đồng hồ sử dụng bộ máy tự động/đồng hồ cơ (Automatic movement) hoặc lên dây (Handwinding movement), thì việc chỉnh giờ, lịch hay lên dây tránh thực hiện trong khoảng thời gian từ 21h00 - 03h00 hàng ngày. Bởi nếu thực hiện các thao tác trên trong khoảng thời gian này sẽ gây hư hại ngoài ý muốn cho hệ thống bánh xe của đồng hồ.
 
       Giống như Xe hơi, đồng hồ Automatic cũng cần được bảo dưỡng thường xuyên để các bộ phận nhỏ xíu, các chi tiết tinh vi kết hợp với nhau tốt nhất giúp đồng hồ hoạt động luôn chính xác và tăng thêm tuổi thọ của đồng hồ. Định kỳ hằng năm hãy mang đồng hồ Automatic của bạn tới Đại lý ủy quyền chính hãng để kỹ thuật viên chuyên nghiệp về đồng hồ giúp bạn lau dầu và bảo dưỡng. Vào ban đêm, khi tháo đồng hồ ra, bạn hãy đặt úp mặt của đồng hồ xuống, nhớ là lót ở dưới bằng một miếng vải hoặc giấy mềm để đồng hồ không bị xước. Khi mặt của đồng hồ úp xuống các bộ phận máy của đồng hồ chia đều lực và không đè lên nhau giảm lực ma sát giữa các linh kiện bên trong đồng hồ, giúp kéo dài tuổi thọ của đồng hồ.

3. ĐỒNG HỒ NGA CÓ CHỨC NĂNG BẤM GIỜ THỂ THAO "CHRONOGRAPH"

     Đối với các đồng hồ Nga có chức năng đo thời gian thể thao (Chronograph), nên hạn chế sử dụng kim đo thể thao (Chronograph hand) thường xuyên, vì nếu sử dụng chức năng này liên tục (do sơ ý hoặc ngoài ý muốn) sẽ khiến cho pin của đồng hồ nhanh hết, bộ phận đếm và chia thời gian (Split time) bị loạn chức năng. Các chức năng khác như: Báo thức hoặc đồng hồ có đèn thì cũng nên hạn chế việc sử dụng quá nhiều và liên tục các chức năng kể trên.
     Nếu các bác sử dụng đồng hồ Nga Chronograph thì phải xem clip dưới để tránh gây hư hỏng cho bộ máy trong quá trình sử dụng.
 
 

4. ĐỒNG HỒ HẤP THỤ NĂNG LƯỢNG TỪ ÁNH SÁNG (ECO-DRIVE)

    Đối với các loại đồng hồ dùng Pin hấp thụ năng lượng từ ánh sáng (Eco-Drive) để trong tủ, hộp và nơi thiếu ánh sáng lâu ngày không được tiếp xúc với ánh sáng đặc biệt là ánh nắng mặt trời trong thời gian từ 3 đến 6 tháng đồng hồ sẽ ngừng chạy, nếu muốn đồng hồ hoạt động trở lại hãy đem ra để nơi có ánh sáng, tốt nhất là dưới ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian 15 phút thì đồng hồ sẽ hoạt động trở lại. Tuy nhiên không nên để đồng hồ nơi thiếu ánh sáng lâu thường xuyên sẽ làm Pin bị chai (hết tác dụng).
 

5. ĐỒNG HỒ NGA DÂY KIM LOẠI

     Đối với đồng hồ dây kim loại trong quá trình sử dụng bị mồ hôi, ghét, bụi làm cáu bẩn có thể sử dụng Kem đánh răng hoặc Nước rửa tay để làm sạch. Dùng bàn chải đánh răng cọ rửa nhẹ nhàng sau đó rửa lại kỹ bằng nước sạch, lau khô bằng khăn mềm. Điều này sẽ gia tăng tuổi thọ của đồng hồ. Không sử dụng bất kì dung môi, chất làm sạch, chất tẩy công nghiệp, chất dính, sơn hoặc các chất xịt lên bề mặt đồng hồ. (Đóng chặt núm điều chỉnh để trách bị nước thẩm thấu vào đồng hồ trước khi cọ rửa). Tuy nhiên việc này không được làm với đồng hồ mạ PVD vì xà phòng, nước rửa chén, kem đánh răng có chứa “sút” có thế làm bay hoặc nặng hơn là bong lớp mạ PVD.

6. ĐỒNG HỒ DÂY DA

      Hiện nay, các dây đeo tay của đồng hồ làm bằng da thuộc được chế tạo rất đẹp, nếu được chăm sóc cẩn thật, chúng có thể giữ được độ bền trong một thời gian. Tuy nhiên, vì là một chất liệu hữu cơ nên tuổi thọ của dây da bị giới hạn bởi các tác động từ môi trường, nước và qua thời gian sử dụng, đặc biệt là mồ hôi từ tay người đeo cùng với sự hao mòn sẽ làm dây da bị lão hóa nhanh chóng. Để bảo quản tốt dây da của đồng hồ và hạn chế dây da bị phai màu và mục nát cần tránh để chúng ở những nơi có độ ẩm cao, không nên đeo đồng hồ dây da khi rửa tay, tiếp xúc với nước hoặc đi dưới trời mưa. Dây da có một cấu trúc phức tạp, thẩm thấu được và không nên để tiếp xúc với dung môi, chất tẩy, nước hoa, và các loại mỹ phẩm bởi vì những chất này có thể làm hư hại đến dây. Khi thấy dây da của đồng hồ bị rạn nứt, mục nát cần thay ngay bằng dây da mới có kích cỡ tương đương tránh để dây da bị đứt đột ngột đồng hồ sẽ bị rơi, vỡ dẫn đến hư hỏng các bộ phận khác của đồng hồ.
 

7. NHIỆT ĐỘ MÔI TRƯỜNG VÀ ĐỘ BỀN CỦA ĐỒNG HỒ

     Đồng hồ sẽ hoạt động một cách chính xác và lâu bền trong khoảng nhiệt độ dao động từ 5 đến 35 độ C. Nếu nhiệt độ vượt quá 60 độ C có thể làm tiêu hao năng lượng và giảm tuổi thọ của Pin vì ở nhiệt độ cao Pin sẽ phóng điện nhiều hơn gấp nhiều lần so với nhiệt độ thường. Ở nhiệt độ dưới -10 độ C cũng sẽ gây sai lệch về thời gian nhưng nếu quay trở lại nhiệt độ thường đồng hô sẽ hoạt động chính xác trở lại.
 
- Trong môi trường có độ ẩm cao, độ phân biệt nóng lạnh rõ rệt (điều hoà và nhiệt độ ngoài trời) tạo nên áp suất chênh lệch làm vật liệu co giãn thất thường có thể gây thẩm thấu hơi ẩm làm ảnh hưởng đến mạch IC, xảy ra chậm mạch dẫn đến hết pin sớm.
 
- Trong môi trường có nhiều đồ dùng điện phát ra nhiều song từ trường cũng gây ảnh hưởng đến bộ truyền động bằng từ trường của máy làm đồng hồ chạy không ổn định, - Trong môi trường nhiệt độ cao lâu ngày cũng làm ảnh hưởng đến bộ mạch IC và cuộn dây trong máy dẫn đến tình trạng trục trặc, đồng hồ chạy không ổn định (các mối liên kết hàn và đường vi mạch đều gắn kết bằng nhựa tổng hợp chuyên dụng hay thiếc).
 

8. CHU KỲ BẢO DƯỠNG CHO ĐỒNG HỒ 

     Một chiếc đồng hồ cần phải được bảo dưỡng thường xuyên để nó hoạt động một cách hoàn hảo. Rõ ràng, chúng tôi không thể nêu ra khoảng thời gian cụ thể cho những công việc như vậy, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào loại đồng hồ, khí hậu và cách chăm sóc đồng hồ của chủ sở hữu. Theo quy tắc chung, chu kỳ bảo dưỡng đồng hồ từ 4 đến 5 năm phụ thuộc vào việc sử dụng đồng hồ.
 
 

HƯỚNG DẪN ĐIỀU CHỈNH MỘT SỐ ĐỒNG HỒ THÔNG DỤNG

 
1. Đồng hồ có 2 kim (Giờ/Phút) và đồng hồ 3 kim (Giờ/Phút/Giây): kéo nhẹ nút điều chỉnh ra 1 nấc để chỉnh giờ phút.
 
2. Đồng hồ có 2 kim 1 lịch (Giờ/Phút/Lịch ngày) và đồng hồ có 3 kim 1 lịch (Giờ/Phút/Giây/Lịch ngày): có 2 nấc chỉnh, kéo nhẹ nút điều chỉnh ra nấc đầu tiên để chỉnh ngày (chỉ có thể chỉnh được 1 chiều, nếu cố vặn chiều còn lại có thể bị gãy lịch) và kéo tiếp ra nấc thứ 2 để chỉnh giờ phút.
 
3. Đồng hồ có 6 kim 1 lịch và 3 nút điều chỉnh bên cạch:
 
- Đồng hồ chạy Pin (Quartz): Nút điều chỉnh nằm ở giữa có 2 nấc chỉnh, kéo nhẹ nấc đầu tiên ra để chỉnh ngày, tiếp đến nấc thứ 2 để chỉnh giờ và phút. Nút trên để cho chạy/dừng chức năng bấm giờ thể thao (chronograph). Khi nút trên đang dừng (chức năng bấm giờ chronograph đang dừng) bấm nút dưới để đưa 2 kim về vị trí ban đầu số 12 giờ và đặt lại từ đầu.
 
- Đồng hồ tự động (Automatic): Thông thường nút giữa chỉnh ngày và giờ, các nút bên hông chỉnh thứ tháng năm.
 
Lưu ý: một số dòng đồng hồ cao cấp nút điều chỉnh không kéo ra ngay được mà phải xoay vặn (theo chiều ngược kim đồng hồ) để mở nút điều chỉnh, sau đó mới kéo nhẹ ra các nấc cần điều chỉnh. Sau khi điều chỉnh xong phải đóng nút điều chỉnh về vị trí ban đầu, ấn nút điều chỉnh vào đồng thời xoay vặn (theo chiều kim đồng hồ) đóng chặt nút điều chỉnh để tránh nước bị thẩm thấu vào máy của đồng hồ.
 
4. Đồng hồ có lịch ngày: nhiều khách hàng thường hay thắc mắc tại sao hiện tại đang là ngày hôm nay mà lịch đã nhảy sang ngày hôm sau, hay tại sao đến 12h00 trưa lịch lại nhảy ngày mà không phải là sau 24h00 mới nhảy sang ngày mới. Đó là do các bạn để giờ đồng hồ không đúng với giờ ngoài đời thực. Điều chỉnh lại lịch nhảy đúng theo thời gian bằng cách kéo nút điều chỉnh ra nấc chỉnh giờ, xoay kim giờ đúng 1 vòng, sau đó lấy lại lịch ngày thì từ đó về sau lịch sẽ nhảy sang ngày mới đúng theo thời gian thực.
 
5. Đồng hồ có 6 kim kèm theo chức năng bấm giờ thể thao (chronograph): nhiều bạn hay thắc mắc tại sao kim giây của đồng hồ không chạy trong khi kim giờ và kim phút vẫn chạy bình thường. Lý do là kim giây là kim giây của chức năng bấm giờ thể thao (chronograph) chứ không phải kim giây của đồng hồ. Kim giây này chỉ chạy khi bấm chức năng bấm giờ thể thao (chronograph), và chỉ có thể chạy trong một khoảng  thời gian nhất định chứ không  thể chạy liên tục mãi (để hạn chế hao Pin đồng hồ). Nếu bạn muốn kim giây (chronograph) chạy lại bạn chỉ cần bấm nút reset và bấm chạy lại.
 
 
LƯU Ý QUAN TRỌNG:
 
Không nên thử độ cứng và chống xước của kính đồng hồ (Sapphire glass) bằng các vật có tính chất cứng hơn Sapphire như dao cắt kính, kim cương… vì như vậy sẽ làm hư hại kính đồng hồ.
 
Không sử dụng hoặc để đồng hồ ở nơi có nhiều từ trường như TV, Tủ lạnh, Máy tính, Lò vi sóng vv...
 
Luôn rửa đồng hồ bằng nước ấm (chú ý không dùng nước nóng bốc hơi tại vòi) ngay sau khi bơi biển (đối với đồng hồ được phép bơi lặn).
 
Luôn kiểm tra tình trạng của núm vặn, vị trí đúng là ở nấc trong cùng. Trong quá trình sử dụng núm rất dễ bị mắc vào chỉ áo hoặc những tác động khác mà bị kéo ra ngoài hoặc sau khi chỉnh lại Ngày/Giờ, để tránh nước có thể thẩm thấu vào bên trong đồng hồ.
 
Hàng tuần nên chùi rửa đồng hồ với nước ấm với xà-phòng để chải sạch bụi bẩn và muối đọng do mồ hôi tiết ra. Những bụi bẩn và mồ hôi muối chính là tác nhân gây ra nước vào trong đồng hồ.
 
Không để đồng hồ ở nơi có nhiệt độ cao quá 60 độ C (tương đương 140 độ F) hoặc những nơi thấp hơn 0 độ C (tương đương 32 độ F).
 
Không sử dụng các nút bấm khi ở dưới nước đối với những đồng hồ nhiều chức năng.
 
Không nên đeo đồng hồ khi tắm nước nóng hoặc xông hơi vì sẽ làm suy giảm khả năng chống thấm nước của đồng hồ.
 
Không nên đeo đồng hồ khi làm các công việc nặng, công việc có nhiều động tác va chạm với các vật dụng bên ngoài như: sửa chữa máy móc, khuân vác... vì vỏ đồng hồ, kính, dây đeo dễ bị trầy xước hư hại.
 
Bộ máy của đồng hồ được chế tạo rất tinh vi, với các bộ phận nhỏ xíu kết hợp với nhau và để đồng hồ hoạt động ổn định, bền lâu không nên đeo đồng hồ khi tham gia các hoạt động vận động mạnh như: Bơi lội, Bóng đá, Bóng chuyền, Quần vợt (Tennis)...ngoại trừ đồng hồ chuyên dụng dành riêng cho thể thao.
 
Luôn đảm bảo có đủ năng lượng cho bộ máy của đồng hồ, thay Pin định kỳ và đúng chủng loại Pin tại đại lý ủy quyền chính hãng để chiếc đồng hồ của bạn luôn chạy chính xác, giữ được hình thức đẹp lâu bền.
 
Cũng cần lưu ý rằng việc thường xuyên để đồng hồ tiếp xúc với hóa chất: (Xà phòng, nước biển, các chất tẩy rửa, axít) có thể làm hỏng dây đồng hồ, các lớp vỏ mạ, vòng tay. Mỹ phẩm và nước hoa cũng có thể làm hỏng đồng hồ nếu để tiếp xúc trực tiếp với các mặt đồng hồ mạ và dây đeo.
 
BÌNH LUẬN
Gửi bình luận
Bình luận

    TIN MỚI NHẤT

    TIN LIÊN QUAN