Nhiều sinh viên Việt Nam ở Liên Xô vẫn lưu truyền câu chuyện về quạt tai voi: Một sinh viên được nghỉ hè 3 tháng. Năm đó rất trùng lặp là cả phòng ký túc xá của anh đều được nghỉ nên quyết định về nước hết. Ra khỏi phòng ký túc xá sau cùng, ra đến sân bay anh mới nhớ ra rằng chiếc quạt tai voi vẫn chưa kịp tắt. Sát giờ bay, anh tặc lưỡi về VN và quên hẳn câu chuyện chiếc quạt tai voi chưa kịp tắt điện.
Hết kỳ nghỉ, anh trở lại ký túc xá ở Liên Xô và kinh ngạc khi thấy chiếc quạt vẫn đang chạy ro ro. Không biết thực hư câu chuyện này thế nào, nhưng có thể thấy một điều, chiếc quạt tai voi có giá trị thế nào trong đời sống thường nhật thời bao cấp của người Việt.
Trước khi quạt con cóc “làm mưa làm gió” tại Hà Nội thì những chiếc quạt máy Liên Xô cánh cao su đã xuất hiện đầu những năm 60. Chẳng ai nhớ thương hiệu của chiếc quạt có 3 cánh bằng cao su mềm. Tất cả đều gọi là nó quạt tai voi.
Tuy nhiên, theo nhà báo Phan Việt Hùng, Phó Tổng biên tập báo Nhi đồng, vào các diễn đàn đồ cũ của Nga và Ukraine thì được biết quạt tai voi được một nhà máy ở Dnepropetrovsk (Ukraine) sản xuất, có mã hàng hóa là ВЭ-1. Dưới đáy còn ghi rõ nơi sản xuất, tốc độ quay cánh quạt là 50 vòng/giây.
Quạt tai voi có cấu tạo rất đơn giản, chỉ gồm 3 cánh bằng cao su mềm, màu trắng. Đế quạt được đúc bằng gang, rất bền, bị ném cũng khó vỡ. Dù không có lồng bảo vệ nhưng quạt tai voi không phải là mối nguy hiểm với trẻ em.
Thứ nhất, khi các em bé hiếu động hoặc người lớn lơ đễnh thò tay vào cánh quạt, cánh quạt chỉ đập nhẹ, không gây cảm giác đau đớn hay tổn thương. Thứ hai, quạt tai voi rất quý, luôn được xem là tài sản lớn nên trẻ em bị cấm động vào quạt vì cha mẹ sợ con có thể làm hỏng quạt.
Vì được coi là tài sản lớn nên quạt tai voi rất được nâng niu. Chỉ khi nào có khách quan trọng đến nhà, gia chủ mới bật tiếp khách. Vì vậy, ngoài chức năng xua đi cái nóng, quạt tai voi còn dùng để khẳng định “đẳng cấp”